HomeBlogUncategorizedVì sao học song ngữ lại thông ...

Vì sao học song ngữ lại thông minh hơn

KÊNH THÔNG TIN GIÁO DỤC

TRƯỜNG PHỔ THÔNG QUỐC TẾ TIS

Trường Quốc Tế TIS là một trong những trường Tiểu học, Trung học Quốc Tế đầu tiên tại TP. HCM giảng dạy song song 2 chương trình. Kỷ niệm 15 năm có mặt tại TP.HCM, Trường Quốc Tế TIS đẩy mạnh 3 trụ cột chính: chất lượng giáo dục, sự quan tâm cá thể và việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động. Chất lượng giáo dục tại TIS đến từ sự phối hợp chặt chẽ của các phòng ban, trong sự hỗ trợ của ứng dụng công nghệ, với quyết tâm đem đến chương trình phát triển cá thể cho học sinh ở mức cao nhất.

———————————–

Khả năng nói được hai ngôn ngữ thay vì chỉ một ngôn ngữ có lợi ích rõ ràng và thiết thực trong một thế giới toàn cầu hóa ngày càng cao. Tuy nhiên trong những năm gần đây, các nhà khoa học bắt đầu chỉ ra rằng việc sử dụng hai ngôn ngữ còn có lợi ích quan trọng hơn là khả năng trò chuyện với nhiều người hơn.Biết hai thứ tiếng hóa ra giúp bạn thông minh hơn.Khả năng này tác động lớn đến não, nâng cao năng lực nhận thức ngoài ngôn ngữ và thậm chí chống lại được chứng mất trí ở người cao tuổi.

Quan niệm về khả năng song ngữ này khác biệt hoàn toàn so với quan niệm về khả năng song ngữ trong suốt gần hết thế kỷ 20.Các nhà nghiên cứu, nhà giáo dục và những người hoạch định chính sách từ lâu vẫn xem ngôn ngữ thứ hai là chướng ngại về mặt nhận thức, cản trở sự phát triển trí tuệ và khả năng học tập của trẻ.

Họ không sai khi xem đó là một chướng ngại: có nhiều bằng chứng cho thấy trong não bộ của người song ngữ, cả hai hệ thống ngôn ngữ đều hoạt động ngay cả khi người đó chỉ sử dụng một ngôn ngữ, do đó xảy ra những tình huống mà hệ thống ngôn ngữ này gây trở ngại cho hệ thống ngôn ngữ kia. Thế nhưng trở ngại này, như các nhà nghiên cứu phát hiện, không phải là điều bất lợi mà thực ra là may mắn được cải trang. Bằng việc giải quyết những xung đột nội bộ này, các cơ của não được luyện tập thường xuyên và do đó trở nên mạnh mẽ hơn.

**Một ví dụ là người song ngữ giải đáp một số loại câu đố trí tuệ giỏi hơn người đơn ngữ. Trong một nghiên cứu năm 2004 của hai nhà tâm lý học Ellen Bialystok và Michelle Martin-Rhee, hai nhóm trẻ song ngữ và đơn ngữ dưới 3 tuổi được yêu cầu phân loại các hình tròn màu xanh và hình vuông màu đỏ hiển thị trên màn hình máy tính vào hai chiếc thùng ảo – một được đánh dấu bằng một hình vuông xanh và một được đánh dấu bằng một hình tròn đỏ.

Ở nhiệm vụ đầu tiên, các em phải phân loại các hình theo màu. Các em được yêu cầu đặt các hình tròn màu xanh vào thùng được đánh dấu bằng hình vuông xanh và đặt các hình vuông màu đỏ vào thùng được đánh dấu bằng hình tròn đỏ. Cả hai nhóm song ngữ và đơn ngữ đều làm được khá dễ dàng. Kế đến, các em được yêu cầu phân loại theo hình dạng, việc này khó khăn hơn bởi vì nó đòi hỏi phải đặt hình vào thùng được đánh dấu bằng màu khác. Kết quả là nhóm các em song ngữ thực hiện việc này nhanh hơn.

Bằng chứng tổng hợp từ một số nghiên cứu tương tự cho thấy kinh nghiệm sử dụng hai thứ tiếng cải thiện chức năng thực thi của não – là hệ thống chỉ huy điều khiển quá trình tập trung mà chúng ta sử dụng để lên kế hoạch, giải quyết vấn đề và thực hiện những hoạt động trí óc khó khăn khác. Các quá trình này bao gồm: không bị phân tâm vào những thứ khác để tập trung vào vấn đề cần chú ý, chủ tâm chuyển hướng tập trung từ việc này sang việc khác mà vẫn lưu giữ thông tin trong đầu – giống như ghi nhớ hướng dẫn đường đi trong khi lái xe.

Vì sao xung đột giữa hai hệ thống ngôn ngữ hoạt động cùng lúc lại cải thiện các khả năng này của nhận thức? Cho đến gần đây, các nhà nghiên cứu cho rằng lợi thế có được từ việc sử dụng hai ngôn ngữ chủ yếu bắt nguồn từ khả năng kiểm soát được rèn giũa bằng việc thường xuyên khống chế một hệ thống ngôn ngữ: sự ức chế này được cho là sẽ giúp não bộ của người nói hai thứ tiếng hình thành khả năng không chú ý đến xao lãng trong những hoạt động khác. Tuy nhiên, cách giải thích đó không còn thỏa đáng bởi các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng người song ngữ thực hiện tốt hơn người đơn ngữ ngay cả ở những việc không cần khả năng ức chế, chẳng hạn như nối các con số nằm rải rác trên một trang giấy theo thứ tự tăng dần.

Khác biệt chủ yếu giữa người song ngữ và người đơn ngữ có thể căn bản hơn: đó là khả năng giám sát môi trường xung quanh được nâng cao. “Người song ngữ phải chuyển đổi ngôn ngữ thường xuyên – nói chuyện với cha bằng thứ tiếng này, nói chuyện với mẹ bằng thứ tiếng kia”, là nhận xét của Albert Costa, một nhà nghiên cứu tại Đại học Pompeu Fabra ở Tây Ban Nha. “Việc đó đòi hỏi phải theo dõi các thay đổi quanh mình giống như cách mà chúng ta theo dõi chung quanh khi lái xe”. Trong một nghiên cứu so sánh những người nói cả tiếng Đức và tiếng Ý với những người chỉ nói tiếng Ý về khả năng giám sát tác vụ, ông Costa và đồng nghiệp nhận thấy những người nói cả hai thứ tiếng không chỉ làm tốt hơn mà còn sử dụng vùng não liên quan đến chức năng giám sát ít hơn, chứng tỏ họ làm điều đó hiệu quả hơn.

Kinh nghiệm sử dụng hai ngôn ngữ có vẻ như tác động lên não bộ từ khi lọt lòng đến lúc già (và có lý do để tin rằng điều này cũng đúng với những người học ngôn ngữ hai khi đã trưởng thành).

Trong một nghiên cứu năm 2009 do Agnes Kovacs của Viện đại học Quốc Tế tại Trieste, Ý, các em bé 7 tháng tuổi được tiếp xúc với hai ngôn ngữ từ khi lọt lòng được so sánh với các bé cùng tuổi chỉ được tiếp xúc với một ngôn ngữ. Trong đợt thử nghiệm đầu tiên, các em được nghe một tín hiệu âm thanh và cho thấy một con rối ở một bên màn hình. Tất cả các bé đều biết nhìn vào một bên của màn hình để chờ con rối xuất hiện. Tuy nhiên, vào đợt thử nghiệm thứ nhì, khi chú rối bắt đầu xuất hiện ở phía bên kia màn hình thì các bé được tiếp xúc với hai ngôn ngữ nhanh chóng nhận biết phải nhìn về phía màn hình bên kia còn các bé còn lại thì không.

Tác dụng của việc nói hai ngôn ngữ kéo dài đến những năm cuối đời. Trong một nghiên cứu gần đây trên 44 người lớn tuổi biết tiếng Anh và Tây Ban Nha, nhóm các nhà khoa học do nhà tâm lý học thần kinh Tamar Gollan của Đại học California, San Diego dẫn đầu, phát hiện rằng những cá nhân có khả năng song ngữ cao hơn – được đo lường bằng mức độ thành thạo mỗi ngôn ngữ theo phương pháp so sánh – có khả năng đề kháng chứng mất trí và những triệu chứng khác của bệnh Alzheimer cao hơn. Khả năng song ngữ càng cao thì tuổi bắt đầu bị bệnh càng muộn.

Chưa từng có ai nghi ngờ sức mạnh của ngôn ngữ.Nhưng ai có thể tưởng tượng rằng từ ngữ chúng ta nghe cũng như câu cú chúng ta nói lại có ảnh huởng sâu sắc đến vậy?

Nguồn: http://www.nytimes.com/2012/03/18/opinion/sunday/the-benefits-of-bilingualism.html?_r=0

Shopping Basket