Wednesday March 23rd, 2016

Role Model – Hình mẫu, thần tượng, người truyền cảm hứng, or…?

Role Model – Hình mẫu

Tiếng Anh có từ role model rất hay mà không có từ tiếng Việt nào tương đương một cách đầy đủ nghĩa nhất. Tạm hiểu là hình mẫu, hoặc một tấm gương xứng đáng để noi theo cũng được. Mấy hôm nay có việc tiếp xúc với vài người bạn trong lĩnh vực nghệ thuật, rồi với các bạn trẻ đam mê nghệ thuật thì bỗng chợt nhận ra, thị trường nghệ thuật hình như quá thiếu những role model. Với tôi, đó phải là những nghệ sĩ thực thụ, đi lên bằng tài năng và đam mê thực. Nhìn thử vào lĩnh vực âm nhạc, hầu như muốn tìm những role model cũng quá khó, đâu đó cũng lại phải quay về những cái tên đã cũ, những ca sĩ đa qua thời hoàng kim, những nhạc sĩ có khi đã không còn nữa. Đó là sự báo động.

Âm nhạc là thứ không thể thiếu trong cuộc sống. Nhưng nhìn thử vào thị trường hiện nay, có được bao nhiêu ca sĩ thực sự là ca sĩ, bao nhiêu người thực sự xứng đáng với hai chữ “nghệ sĩ”. Họ vẫn có lượng fan khủng, vẫn là tâm điểm của truyền thông, nhưng liệu họ có truyền được cảm hứng cho những bạn trẻ đam mê nghệ thuật và muốn phát triển sự nghiệp một cách nghiêm túc? Đạo nhái, chiêu trò, scandal, chú trọng hình thức, thiếu chuyên nghiệp, lười cải thiện kỹ năng chuyên môn…dần dần khiến cho xã hội có một cái nhìn chẳng mấy thiện cảm về nghề ca sĩ nói riêng và showbiz nói chung. Bản thân showbiz, thế giới người nổi tiếng là một thế giới phức tạp. Và bản thân người trong cuộc phải chấp nhận đương đầu với sự phức tạp đó bởi nó là một đặc tính vốn có. Nhưng nếu có những tài năng thật sự thì khán giả sẽ là người hưởng lợi, và khi đó khán giả sẽ xem sự phức tạp đó chỉ một thú vui vô thưởng vô phạt, một đề tài tán gẫu giết thời gian bỡi lẽ, nó là một đặc tính vốn có của giới showbiz. Còn hiện tại, vì chả có bao nhiêu là “chất lượng”, bao nhiêu là “tài năng” nên báo chí cũng chả biết khai thác gì khác ngoài những chuyên phức tạp và khán giả, vì chả có cái gì hay để nghe và xem, nên đôi khi “nghiêm trọng hoá” những điều phức tạp của showbiz vào cả trong cuộc sống cuả họ.

Càng ngày, định kiến của xã hội về giới showbiz càng trở nên tiêu cực. Và đó là điều nguy hiểm, bởi nó sẽ giết chết giấc mơ của rất nhiều đứa trẻ. Có bao nhiêu bậc cha mẹ Việt Nam sẽ sẵn sàng ủng hộ con nếu nó nói “sau này con muốn làm ca sĩ, nhạc công, hay nhạc sĩ?” Sẽ rất ít. Có lẽ cha mẹ ở đâu trên thế giới cũng vậy. Bởi họ ngán ngẩm cái sự phức tạp của showbiz, cái giá của sự nổi tiếng. Nhưng, vẫn có cô bé, cậu bé bất chấp tất cả, cãi lời cha mẹ để sống với đam mê, vượt qua tất cả mọi định kiến xã hội. Vì sao, vì chúng có được những role model đúng nghĩa, những hình mẫu để chúng được tiếp thêm sức mạnh và tin rằng, à mình sẽ làm được. Ngược lại, một tài năng thiên bẩm sẽ khó có thể phát triển trong một xã hội đầy định kiến và thiếu những role-model thật sự. Tiếp xúc một số em may mắn được bố mẹ tạo điều kiện cho học nhạc, được tham gia thể hiện mình ở những sân chơi lành mạnh mới thấy, có những tài năng thiên bẩm rất cần được khai phá. Một thế hệ năng động, giỏi ngoại ngữ, khẩu vị nghệ thuật rất hiện đại như thế nếu được tạo điều kiện phát triển sẽ chẳng thua kém ai.

Thú thật, xem một buổi trình diễn amateur của các em mà thấy còn chất hơn rất nhiều màn trình diễn của những “ca sĩ” trẻ hiện nay. Nhìn các em tự sáng tác, tự đàn, tự hát, và chia sẻ trên sân khấu những câu chuyện rất thật về bản thân, về niềm đam mê âm nhạc, khán giả thật sư được truyền cảm hứng. Đó là những tài năng thật sự. Dẫu có nhiều khuyết điểm, dẫu có dễ tổn thương, nhưng dám thể hiện mình một cách chân thật nhất. Một em vừa khóc vừa tâm sự rằng “trước khi vào học trường nhạc, em luôn làm theo những điều bố mẹ muốn. Giờ được sống trong âm nhạc, được hát cùng bạn bè, được theo đuổi đam mê, đó là hạnh phúc lớn nhất”. Không phải ai cũng may mắn như em, chắc chắn sẽ có rất nhiều giấc mơ còn dang dở, rất nhiều đam mê sớm phải lụi tàn.

Những tài năng trẻ, nếu được tạo điều kiện phát triển một cách chuyên nghiệp, hoàn toàn có thể trở thành những role-model cho những thế hệ đàn em. Trong bối cảnh tại Việt Nam, role model không nhất thiết chỉ là những người đã thành danh, dày dặn cả tuổi đời lẫn tuổi nghề, mà đôi khi chỉ là những cá nhân sống thật, dũng cảm thể hiện bản thân và theo đuổi đam mê với một tài năng thật sự. Những nghệ sĩ đích thực hiếm hoi ngoài kia ơi, nếu có điều kiện, hãy chung tay vì một thế hệ tương lai, hãy cùng tạo ra những role model đúng nghĩa, cả về tài và đức. Sau này lỡ có ai mời được những nghệ sĩ quốc tế như Adele, Bruno Mars hay Taylor Swift đến Việt Nam biểu diễn, nghệ sĩ Việt nào cùng đứng chung sân khấu mà thật sự xứng đáng?
Khán giả chúng tôi mong lắm!

Video: Học viên (15-17 tuổi) của Trường Soul Music and Performing Arts Academy trình diễn live với một ca khúc tự sáng tác “Remember to wake me up”

Titled by TIS
Tác Giả: “Producer/MC Tran Quoc Khanh”

TIN TỨC TIS
About Trường Quốc Tế
Hệ thống giáo dục phổ thông quốc tế TIS ( The International School ) theo đuổi tầm nhìn trở thành giải pháp hiệu quả cho mối quan hệ của phụ huynh và học sinh; là môi trường phát triển vững chắc cho học sinh cả về học vấn, năng khiếu và tính cách, phẩm chất. TIS làm điều này thông qua sự kết hợp hài hòa Chương trình Giáo dục Quốc gia với Chương trình Giáo dục Quốc tế, với phương pháp giáo dục cá thể hóa (Personalized Education) giúp các em sẵn sàng đương đầu với thử thách của cuộc sống cũng như thành công ở những bậc học cao hơn, đồng thời vẫn gìn giữ những giá trị văn hóa, truyền thống của dân tộc.