(TIS) – Để trường là trường, thầy cô là thầy cô…
Khi trường học phải gánh những mục tiêu khác, nó không còn đơn thuần là nơi truyền đạt kiến thức, hình thành nhân cách nữa. Một điều tưởng chừng như quá rõ ràng, nhưng Trường học phải được tạo điều kiện là một trường học. Học sinh phải được sai, vì chính những cái sai đó mới làm nên điều đúng, chính những cái sai đó là nguồn cơn của sự sáng tạo. Thế mà, hãy nhìn xem thái độ của chúng ta đối với lỗi sai như thế nào? Chúng ta vẫn đang tiếp tục thói quen cô lập, chỉ trích, bêu rếu… đối với lỗi sai. Kết quả là chúng ta đang tạo ra những thế hệ học sinh… buộc phải đúng. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy; sự sáng tạo bị giết chết cũng là kết quả từ đây.
Học sinh phải được quyền không biết, vì từ chính sự không biết, chúng có kế hoạch hiểu hết những gì diễn ra chung quanh chúng. Học sinh cũng cần được quyền không thích và lên tiếng cho sự không thích của mình, vì suy cho cùng, chúng ta đang muốn tạo ra một thế hệ những công dân ưu tú mang lại sự thay đổi tích cực cho cuộc sống của chúng ta. Mà thay đổi, phần nào đó phải đến từ sự … không thích.
Có vẻ như chúng ta vẫn cứ bắt học sinh phải đúng, phải biết, phải thích mà quên rằng, trường học là nơi chúng cần được sai, được không biết và được không thích.
Thầy cô cũng cần phải được quyền làm thầy cô. Quan điểm của tôi là loại bỏ tối đa những sự tác động thiếu tích cực đối với việc dạy và học. Vị trí của thầy cô là giảng dạy. Những gì có thể ảnh hưởng đến chất lượng hay thái độ của việc thực hiện việc này cần được loại bỏ. Từ thượng tầng quản lý, đến tương tác trong lớp học của thầy trò. Có thể kể đến:
- Quà tặng cho lãnh đạo những dịp lễ tết? Có thể ảnh hưởng.
- Quà tặng từ phụ huynh những dịp lễ tết? Có thể ảnh hưởng.
- Dạy thêm tại nhà cho học sinh lớp mình? Có thể ảnh hưởng.
Và còn nhiều điều khác nữa.
Khi những tác động này được kiểm soát, thầy cô quay trở lại với miêu tả công việc căn bản nhất và thuần khiết nhất: truyền cảm hứng và hướng dẫn cho học trò.
Giá trị cốt lõi
Xây dựng 1 công ty, chúng ta thường đặt ra những giá trị cốt lõi. Chính những giá trị cốt lõi này là định hướng để làm nên văn hóa của 1 doanh nghiệp. Điều này rất căn bản. Nhưng hiện nay các trường học đang bỏ quên điều này. Chúng ta đang đặt những mục tiêu giáo dục lớn lao mà quên đi những điều căn bản nhất. Sự trung thực, Tinh thần trách nhiệm, Sự tôn trọng… cần bước ra khỏi những bài đạo đức, để trở thành nét nhận dạng của 1 tổ chức, 1 trường học. Hãy cho học sinh sống với những giá trị cốt lõi mỗi ngày, trong từng hoạt động, trong tất cả mọi tương tác dù là nhỏ nhất.
Tiến Sĩ Lê Đức Ánh
Hiệu trưởng