KÊNH THÔNG TIN GIÁO DỤC
TRƯỜNG PHỔ THÔNG QUỐC TẾ TIS
Thức khuya dậy sớm và dùng đủ mọi cách nhưng vẫn không thể “nuốt trôi” những công thức toán học, những đoạn văn dài hay mớ từ vựng ngoại ngữ… Học thuộc lòng đã trở thành nỗi ám ảnh của bạn. Muốn có những phương pháp học tập hiệu quả, vậy tại sao bạn không tham khảo những bí quyết giúp học bài mau thuộc dưới đây?
Học bài là quá trình vận động trí não gồm nhận dạng đặc điểm, tạo mối liên hệ, nhập và lưu trữ thông tin vào não. Các phương pháp dưới đây vốn là quá trình hoạt động bên ngoài. Tuy nhiên nó lại có ảnh hưởng rất lớn đến việc thu nạp kiến thức của bạn. Nếu không có phương pháp hợp lý, chắc chắn bạn sẽ chẳng học được chữ nào cho những kỳ thi “đáng ghét”.
1. Đối với các môn xã hội
Đối với mỗi chúng ta, các môn văn, triết, chính trị, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử Đảng, chủ nghĩa xã hội khoa học… được xem là những môn “khủng” nhất. Bí quyết: không nên học từ đầu đến cuối không bỏ qua từ nào giống kiểu học vẹt, mà hãy lọc ra những ý chính để học.
– Học ý chính của từng đoạn rồi diễn giải theo ý của mình.
– Tóm tắt một bài văn: học những ý liên quan đến tác giả như: tên, một số thành tựu, tác phẩm nổi bật, phong cách sáng tác, tư tưởng chủ đạo…
– Để nhớ câu chuyện, bạn cần học thêm tên các nhân vật, các dữ kiện chính và sắp xếp chúng theo trình tự.
– Đối với thơ, không có cách nào khác ngoài việc bạn phải học thuộc lòng bài thơ. Đọc nhiều lần từng đoạn thơ sau đó ráp lại.
2. Đối với các môn tự nhiên
Toán cao cấp, tin, lý, hóa… với những công thức được xem là khá dễ trôi đối với cánh mày râu, nhưng thực chất, nó cũng rất dễ quên. Bạn nên học nhiều lần với một công thức để nạp nó vào não, nếu không bạn sẽ quên ngay khi học sang công thức thứ ba. Học được 4 công thức bạn nên dừng lại để ôn lại chúng cho đến khi thực sự nhớ hết.
– Học công thức phải đi kèm với làm bài tập cho công thức đó. Trước tiên là bài tập cho riêng công thức đó, sau đó là làm những bài tổng hợp nhiều công thức.
– Với những công thức khó nhớ, bạn ghi vào một quyển sổ nhỏ để xem bất cứ khi nào quên.
– Khi tự làm bài tập, bạn nên tự kiểm tra với đáp án, đánh dấu những chỗ sai để ghi nhớ. Chắc chắn lần sau gặp lại bạn sẽ không mắc những lỗi đó nữa.
– Mua bảng tóm tắt công thức soạn sẵn để học nếu bạn không muốn mất công ngồi tự soạn
– Dùng bút màu, công thức khó nhớ dược bôi đậm một màu, công thức dễ nhớ được bôi một màu để khi học bạn chú ý hơn.
– Liệt kê tất cả những dạng bài chủ yếu. Sau đó luyện tập từng dạng một.
Đóng thành tập tất cả những tờ bài tập giáo viên phát để dễ học và không bị thất lạc.
3. Đối với các môn ngoại ngữ
Cái khó của việc học ngoại ngữ là vốn từ vựng phong phú và các phạm trù ngữ pháp.
– Soạn tất cả các điểm ngữ pháp ra một tờ giấy, chia ra mỗi ngày học 5 điểm.
– Làm thật nhiều bài tập cho từng cấu trúc để nhớ bài lâu.
– Ghi tất cả công thức liên quan đến mỗi điểm ngữ pháp ra tờ giấy A4 (chỉ ghi trên 1 mặt) và dán ở góc học tập để mỗi lần làm bài bạn xem lại.
– Đối với từ vựng, bạn nên viết ra giấy nhiều lần sẽ giúp học nhanh và nhớ lâu hơn.
– Luôn chuẩn bị một cuốn sổ nhỏ để ghi lại tất cả những từ mới gặp trong quá trình làm bài tập.
Để luyện nghe nói, bạn nên nghe nhiều lần các bài đàm thoại trong sách.
– Ghi âm giọng đọc của mình, sau đó nghe lại. Chỗ nào thấy chưa ổn, bạn lặp lại cho đến khi chuẩn.
Nguồn: http://www.yan.vn/bi-quyet-giup-ban-hoc-bai-mau-thuoc-1-cach-hieu-qua-nhat-33700.html