Cùng với việc tiếp tục duy trì 3 trụ cột chính: Chất lượng giáo dục; Ứng dụng công nghệ và Giáo dục cá thể hóa, bước vào năm học 2015-2016 Trường phổ thông Quốc Tế TIS đã triển khai nhiều hoạt động đổi mới nhằm mang lại hiệu quả giáo dục cao nhất cho học sinh (HS) của trường. Về chuyên môn, tập thể Giáo viên (GV) các bậc học của trường đã đồng loạt triển khai việc đổi mới “Sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học” (SHCM theo NCBH).
SHCM theo NCBH là hoạt động GV cùng nhau học tập từ thực tế việc học của HS. Ở đó, GV cùng nhau thiết kế kế hoạch bài học, cùng dự giờ, quan sát, suy ngẫm và chia sẻ bài học (tập trung chủ yếu vào việc học của HS). Đồng thời đưa ra những nhận xét về sự tác động của lời giảng, các câu hỏi, các nhiệm vụ học tập mà GV đưa ra,… có ảnh hưởng đến việc học của HS. Trên cơ sở đó, GV được chia sẻ, học tập lẫn nhau, rút kinh nghiệm và điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học vào bài học hằng ngày một cách hiệu quả.
Quy trình của SHCM theo NCBH gồm 4 bước:
- Bước 1. Xây dựng kế hoạch bài học.
- Bước 2. Tiến hành bài học và dự giờ.
- Bước 3. Suy ngẫm, thảo luận về bài học nghiên cứu.
- Bước 4. Áp dụng cho thực tiễn dạy học hàng ngày.
Cả 4 bước này đều có sự thay đổi căn bản so với hình thức SHCM truyền thống. Chỉ nói riêng về việc dự giờ và thảo luận sau giờ học đã có những thay đổi như sau:
Về dự giờ: Trong SHCM truyền thống, GV dự giờ thường ngồi ở cuối lớp học quan sát người dạy như thế nào, ít chú ý đến những biểu hiện thái độ, tâm lí, hoạt động của HS. Trong SHCM theo NCBH, GV dự giờ chọn vị trí ngồ ở hai bên hoặc phía trước lớp học để quan sát HS, cách phản ứng của HS trong giờ học, cách làm việc nhóm HS, những sai lầm HS mắc phải, thái độ tình cảm của HS… Quan sát tất cả đối tượng HS, không được “bỏ rơi” một HS nào.
Về Thảo luận sau giờ học: Trong SHCM truyền thống, các ý kiến nhận xét sau giờ học nhằm mục đích đánh giá, xếp loại GV nên nặng về việ phân tích, mổ xẻ các thiếu sót của người dạy. Trong SHCM theo NCBH, người dự đưa ra các ý kiến nhận xét, góp ý về giờ học theo tinh thần trao đổi, chia sẻ, lắng nghe mang tính xây dựng; tập trung vào phân tích các hoạt động của HS và tìm các ra nguyên nhân; lấy hành vi học tập của HS làm trung tâm thảo luận. Không đánh giá, xếp loại người dạy mà coi đó là bài học chung để mỗi GV tự rút kinh nghiệm.