Site icon Trường Quốc Tế TIS

Thầy cô, cha mẹ và cách nhìn nhận mới về lỗi sai của trẻ

(TIS) – Phải nhìn nhận một điều rằng, chúng ta chẳng ai muốn bị la mắng hay phê bình trước nhiều người. Đặc biệt là các bạn nhỏ. Vì vậy, cần có một cách nào đó, để các bạn nhìn nhận được sai lầm của mình, đồng thời rút ra được bài học cho bản thân. Đây là điều mà người lớn chúng ta, cả gia đình và nhà trường cần phối hợp để cải thiện.

Những lời phê bình, trách mắng từ lỗi sai của các bạn nhỏ là một điều chúng ta đã quá quen thuộc; tuy nhiên, các thực hiện và những hiệu ứng xung quanh là điều đáng suy ngẫm. Phê bình & trách mắng không đúng cách, và nó dễ dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực, sự tự ti về bản thân hay thậm chí là hành động phản kháng của các bạn nhỏ. Nếu hành động này xảy ra ở nơi đông người hay trong lớp học, nó có thể sẽ khiến các em có sự phán xét không tốt về nhau. Đây là điều không tốt chút nào. Nên nhớ các bạn nhỏ cũng có lòng tự trọng, hãy khuyến khích các em nhìn nhận được lỗi sai và chủ động rút ra bài học từ sai lầm của mình.

Chúng ta cần làm gì khi trẻ mắc sai lầm?

 Thay vì trách các em ngay chỗ đông người như 1 phản ứng tự nhiên được ưu tiên; chúng ta nên thử dành thời gian cho bạn tự suy nghĩ về lỗi sai của mình và gặp riêng để trao đổi giúp bạn nhìn nhận cái sai hoặc có thể lắng nghe nguyên nhân từ bạn. Điều này giúp các em tự nhìn ra được lỗi sai và chủ động nhận lỗi, sửa lỗi.

  1. Dành không gian riêng để trò chuyện

Nếu đang ở nơi đông người, hãy tạm gác lại mọi thứ, sau đó đến một nơi chỉ có trẻ và người lớn để nói chuyện. Việc này tạo cho bạn nhỏ tâm lý thoải mái, không sợ hãi. Hãy gợi ý để em nói về nguyên nhân dẫn đến lỗi sai. Đây chí ít là thời gian để các bạn được nói-những-điều-cần-nói, để được tự phân tích đưa ra nguyên nhân dẫn đến lỗi sai của mình. Lắng nghe kỹ – không ngắt lời để nắm được mọi khía cạnh của vấn đề là điều người lớn chúng ta nên làm vào lúc đó.

  1. Phân tích

 Sau khi bạn nhỏ đã nói hết những lý do của mình, hãy tiếp tục mạch trò chuyện cởi mở bằng cách chấp nhận và đánh giá cao việc em đã dũng cảm nói mọi thứ với bạn. Tóm lược lại nội dung  em vừa nói để chứng mình rằng lời nói của chúng được tiếp nhận.

Bắt đầu phân tích những thiếu sót, những điểm mà các em chưa nghĩ tới dẫn đến sai lầm. Dạy cho các em cách đứng vào vị trí của người khác để cảm nhận lỗi sai đó. Không đổ hết lỗi lầm vào hành động của các em, hãy tỏ thái độ thông cảm rằng ai cũng sẽ mắc sai lầm đó. Nhưng điều quan trọng là chúng ta không che giấu lỗi sai, mà nhìn nhận nó để rút kinh nghiệm sau này.

  1. Bài học rút ra

Từ những phân tích của mình, hãy gợi ý để các bạn nói ra được những điều thiếu sót, bài học đã rút ra được và sẽ áp dụng sau này như thế nào. Hãy định hướng, góp ý thêm cho các em theo ý kiến của mình.

Sau cuộc trò chuyện, hãy chắc chắn rằng bạn nhỏ không còn mặc cảm với lỗi sai của mình và hiểu được mình nên làm gì. Có thể là một lời xin lỗi hay những hành động tích cực hơn về sau.

Mọi sai lầm mà chúng ta mắc phải đều ẩn chứa những bài học, những giá trị đáng quý mà chúng ta cần nhận ra. Sai lầm – vốn dĩ được “sinh ra” để mọi người có thể học hỏi, cải thiện mình hơn. Gia đình và nhà trường, là nơi tác động đến các em nhiều nhất. Vì vậy, hãy dành thời gian để trao đổi nhiều hơn và có những hành động tích cực nhất trong suốt thời gian trưởng thành của mỗi em. Đừng để những cách xử lý thiếu tế nhị hình thành nên những suy nghĩ không tốt từ các bé.

 

Exit mobile version