Kỹ năng ứng xử sư phạm là yêu cầu quan trọng đối với mỗi giáo viên nhân viên đặc biệt là trong môi trường lựa chọn phương pháp giáo dục cá thể hóa. Sự ứng xử khéo léo của mỗi giáo viên, nhân viên có ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành và phát triển nhân cách trẻ. Tuy nhiên, thực tế giao tiếp sư phạm rất đa dạng và cũng có nhiều tình huống khác nhau yêu cầu GVNV phải linh hoạt, khéo léo và am hiểu biết sâu sắc về đặc điểm tâm sinh lý của từng học sinh. Để nâng cao kỹ năng này trong toàn thể GVNV làm việc trực tiếp với học sinh tại trường TIS, nhà trường đã tổ chức chương trình huấn luyện đặc biệt với chủ đề “kỹ năng giao tiếp tích cực với học sinh” trong 3 buổi với sự tham gia huấn luyện của chuyên gia tham vấn tâm lý – thạc sỹ Ngô Minh Uy
Trong suốt chương trình huấn luyện, các thầy cô đã được tiếp cận với rất nhiều kỹ năng, phương pháp, mô hình giao tiếp cực kỳ hữu ích cho công tác của mỗi người như cách thiết lập mối quan hệ tin tưởng theo mô hình 3C (Competence; Character; Caring) hay làm sao để thể hiện một hình ảnh tươi vui và thân thiện (Vision); Điều chỉnh giọng điệu nhẹ nhàng và quan tâm đến học sinh (Vocal); và Chú tâm đến ngôn ngữ dùng để giao tiếp với học sinh (Verbal) … trong công tác giảng dạy.
Hơn thể nữa, tất cả các GVNV tham gia khóa huấn luyện còn được trang bị thêm rất nhiều kiến thức bổ ích như cách lắng nghe, đặt câu hỏi, chiến lược làm như thế nào để tác động tích cực lên học sinh đồng thời tìm hiểu tâm lý chung của từng độ tuổi học sinh để có thể đưa ra cách thức giao tiếp phù hợp. Hiểu được tâm lý và có kỹ năng giao tiếp với học sinh như việc khen một cách khéo léo và thông minh, tránh làm tổn thương lòng tự trọng và giúp học sinh có thể nhận ra lỗi sai của mình sẽ giúp học sinh và giáo viên có thể hợp tác hơn trong quá trình dạy học.
Thạc sỹ Ngô Minh Uy cũng chia sẻ: các thầy cô nên đặt mình vào vị trí của học sinh, vào hoàn cảnh của các em để rút ngắn khoảng cách, tạo sự gần gũi, chân thành, cảm thông giúp dễ thấu hiểu. Thể hiện cho học sinh thấy tình cảm yêu thương của một người thầy với học trò. Dùng lòng nhân ái, đức vị tha giáo dục, cảm hóa học trò sẽ luôn đạt hiệu quả cao. Nếu kỹ năng ứng xử sư phạm của mỗi GVNV được tăng lên, thầy cô sẽ dễ dàng nhận biết cách giúp học sinh kiềm chế được cảm xúc, và từ theo đó, giúp các em hướng đến những suy nghĩ đúng đắn và hoàn thiện mình trong học tập cũng như đời sống hàng ngày.