Site icon Trường Quốc Tế TIS

Làm sao để cha mẹ tránh kỳ vọng quá sức con cái

Thay vì đặt quá nhiều kỳ vọng vào con cái, cha mẹ hãy khuyến khích trẻ tự phát triển khả năng bản thân, quan tâm và trò chuyện để hiểu con hơn.

Một trong những sai lầm các bậc cha mẹ thường hay mắc phải trong quá trình nuôi dạy con cái đó là đặt quá nhiều kỳ vọng vào những đứa con của mình. Việc đặt kỳ vọng vào con cái của cha mẹ thường được biểu hiện thông qua kết quả học tập, thi cử, nghề nghiệp sau này… của con trẻ. Tuy nhiên, trên thực tế, việc này đã gây ra không ít áp lực cho trẻ, ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành và phát triển hành vi cũng như tâm lý của trẻ. Khi trẻ không đạt được kỳ vọng của cha mẹ, các em sẽ thấy bản thân mình bất tài vô dụng, tự ti, sống buông xuôi, chán nản, dễ bị cái xấu dụ dỗ.

Không áp đặt ước mơ cho con cái

Cha mẹ thường có xu hướng đem những ước mơ mà bản thân mình mong muốn, kỳ vọng áp đặt lên con cái, mà không biết chúng có thực sự thích hay không. Thường bố mẹ mong ước con cái sẽ theo chuyên ngành của mình, nối nghiệp truyền thống của gia đình, mà không hề quan tâm xem con mình có năng lực và đam mê thực sự hay không.

Thay vào đó, cha mẹ nên tạo điều kiện, khuyến khích trẻ tìm kiếm và phát triển niềm đam mê thế mạnh nổi bật của bản thân, tạo môi trường thuận lợi để trẻ thỏa sức sáng tạo, nuôi dưỡng ước mơ của bản thân, phù hợp với khả năng thực tế.

Kỳ vọng một cách thực tế

Thay vì ép buộc con trẻ tham gia quá nhiều hoạt động liên quan đến học tập, học thể thao cho đến văn hóa, mà không cần quan tâm đến con mình có thật sự thích hay không, cha mẹ nên hiểu rõ sở thích, tính cách và khả năng của trẻ để từ đó định hướng đúng đắn, giúp trẻ phát huy mọi thế mạnh của bản thân. Thêm vào đó, cha mẹ nên thường xuyên trò chuyện với con để lắng nghe nhiều hơn, thấu hiểu nguyên vọng cũng như suy nghĩ của trẻ để từ đó giúp chúng định hình được ước mơ phù hợp với thực tế.

Xác định phương pháp giáo dục đúng đắn

Đây là điều vô cùng cần thiết và quan trọng, tác động nhiều đến sự phát triển tính cách cũng như hành vi của trẻ sau này. Cha mẹ nên loại bỏ phương pháp giáo dục truyền thống sử dụng roi vọt, cấm đoán, răn đe hay ép buộc trẻ định hướng theo ý kiến chủ quan, cảm tính của mình.

Các bậc cha mẹ nên ý thức được mục đích giáo dục con cái, chủ yếu là nhằm giúp cho chúng phát triển thành một người độc lập, trưởng thành về mặt sinh học lẫn nhân cách, đương đầu với mọi khó khăn, thích nghi tốt với mọi hoàn cảnh…. Căn cứ vào đó để tìm hiểu, không ngừng thay đổi linh hoạt phương pháp giáo dục trong từng giai đoạn phát triển tâm sinh lý của con em mình.

Luôn lắng nghe và quan tâm đến trẻ

Trẻ em trong từng giai đoạn nhất định luôn thay đổi về mặt tâm sinh lý, nếu cho mẹ không quan tâm và để ý đến con cái, trẻ rất dễ bị cám dỗ, sa đà vào những thứ tiêu cực, không tốt trong xã hội. Bạn nên chú ý những thay đổi dù là nhỏ nhất của trẻ qua các biểu hiện thường ngày. Kịp thời phát hiện những dấu hiệu lạ như mệt mỏi, sợ sệt, bất an,… để giúp trẻ điều chỉnh, cân bằng lại.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên tham khảo ý kiến từ các giáo viên, những người thường xuyên bên cạnh con trẻ để họ có thể cung cấp những thông tin cần thiết xung quanh về hành vi cũng như khả năng của trẻ để từ đó có những định hướng cụ thể, giúp trẻ phát triển toàn diện, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

 

Nguồn: Internet

 

Exit mobile version