KÊNH THÔNG TIN GIÁO DỤC
TRƯỜNG PHỔ THÔNG QUỐC TẾ TIS
Đó là câu hỏi của rất nhiều phụ huynh thời nay. Vì họ hiểu rằng tương tác với một số game và ứng dụng online, xem truyền hình có thể là một cách cho trẻ học, song việc lạm dụng quá mức sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển tâm lý và trí tuệ của trẻ.
Một báo cáo gần đây của tổ chức Common Sense Media cho thấy, hơn 1/3 (38%) trẻ 0 – 8 tuổi tham gia cuộc khảo sát đã từng sử dụng ti vi, điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy chơi game… và 11% trẻ sử dụng các thiết bị công nghệ trên mỗi ngày. Ngày càng có nhiều thiết bị công nghệ mới ra đời, nhưng ti vi vẫn được sử dụng nhiều nhất, với con số 44% trẻ dưới 8 tuổi có ti vi trong phòng ngủ. Trẻ tham gia khảo sát xem chương trình ti vi hoặc DVD trung bình 1 giờ 40 phút mỗi ngày, so với chỉ 29 phút tự đọc sách hoặc được cha mẹ đọc sách cho nghe – bất chấp những cảnh báo không nên xem ti vi quá nhiều. Hiệp hội Nhi khoa Mỹ khuyến cáo trẻ nhỏ dưới 2 tuổi không nên xem ti vi, trong khi thực tế rất nhiều trẻ đã có thói quen xem ti vi từ lúc còn ẵm ngửa hay chập chững đi.
Để trẻ được sống trong điều kiện tốt nhất cho sự phát triển trí tuệ và thể chất, người lớn cần tạo cho bé một môi trường lành mạnh, giảm tối đa thời gian tiếp cận với ti vi và các thiết bị công nghệ. Sau đây là một số điều chúng ta có thể làm để trẻ dành nhiều thời gian hơn vào việc sáng tạo, khám phá thế giới rộng lớn, thay vì ngồi dán mắt vào màn hình ti vi hay các thiết bị công nghệ.
1. Tạo các giờ sáng tạo thủ công mỗi tuần
Thủ công bao gồm rất nhiều hoạt động, như việc cắt xé giấy để tạo nên các bức tranh, gấp giấy tạo hình… Hoạt động này có thể được hỗ trợ bởi cha mẹ hoặc trẻ tự sáng tạo. Mỗi tuần trẻ có thể dành 3 giờ cho hoạt động thủ công thú vị này.
2. Giới hạn thời gian xem ti vi, tiếp xúc thiết bị công nghệ
Thiết lập giới hạn sử dụng với ti vi, máy vi tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng. Điều quan trọng là người lớn cần làm gương trước. Đây là quy định không dễ thực hiện, nhưng khi nhận ra cha mẹ nghiêm túc tuân thủ thì trẻ sẽ làm theo, cho dù ban đầu có thể không thoải mái.
3. Dành thời gian đọc sách
Đọc sách cho trẻ nghe hoặc cùng trẻ đọc sách là cách để giúp con mở rộng kiến thức với con người, động vật, các địa danh và vô vàn điều thú vị trong cuộc sống. Ngay cả khi trẻ chưa biết đọc, lắng nghe các câu chuyện là các giúp bé mở rộng vốn từ và khơi gợi niềm đam mê đọc sách sau này.
4. Vui chơi ngoài trời
Giờ chơi tự do giới hạn tại trường và rất ít khoảng thời gian trẻ được vui chơi ngoài trời càng cho thấy việc này quan trọng với trẻ như thế nào. Gần gũi hơn với thiên nhiên và hít thở khí trời giúp trẻ được thư giãn, giải tỏa căng thẳng, thoải mái vận động, gia tăng khả năng cảm nhận bằng những hoạt động sờ, ngửi, nếm… vốn chẳng thể có được khi ngồi trước màn hình ti vi hay máy vi tính.
5. Khuyến khích trẻ khám phá những đồ chơi dạng mở – đóng
Ti vi và các trò chơi online tước đoạt quyền được tự do sáng tạo bằng những hình ảnh, những quy định chơi thiết lập sẵn. Hãy giúp trẻ khơi gợi khả năng tượng tưởng với những trò chơi như xếp các khối hình, chơi lego, domino, chơi với búp bê… để trẻ thỏa thích tạo nên thế giới trong mơ của mình.
6. Ngày gia đình “không thiết bị công nghệ”
Lên lịch một ngày ở công viên, đi biển, thăm vườn thực vật, sở thú… và nhớ để tất cả thiết bị công nghệ ở nhà. Khi không có sự hiện diện của điện thoại thông minh, cha mẹ có thể dành cho con sự quan tâm chăm sóc trọn vẹn mà con trẻ xứng đáng được hưởng.
7. Cùng con nấu ăn
Kỹ năng nấu nướng có vẻ không hợp với trẻ nhỏ, nhưng ngay cả trẻ mới biết đi cũng có thể học được nhiều điều khi ở gian bếp. Trộn thức ăn, cân đo nguyên liệu, bóc trứng… là những bước đơn giản để dạy trẻ về thói quen ăn uống khỏe mạnh, cách làm việc theo nhóm và khái niệm toán cơ bản. Và những em bé kén ăn thì vô cùng thích thú khi được nếm thử những món mà chúng góp công sức tạo nên.
Quả thực, không thể ngăn trẻ tiếp xúc với thiết bị công nghệ mỗi ngày, nhưng cố gắng giảm tối đa và khích lệ trẻ tiếp cận với cuộc sống muôn màu vô cùng quan trọng. Thời gian khám phá thế giới thực tế giúp trẻ thư giãn, tăng vốn hiểu biết và tập trung vào những điều thực sự bổ ích hơn.
Nguồn: http://phunu8.vn/tin-tuc/gia-dinh/lam-gi-de-tre-khong-nghien-thiet-bi-cong-nghe.html